Một số trao đổi về nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự, Sổ tay luật sư tập 2.
LS. ThS. HOÀNG QUỐC HÙNG
(Bài đã đăng trên Bản tin Luật sư & Nghề luật của Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế, Số 19.)
Sổ tay luật sư thực sự là bộ sách quý, đặc biệt là đối với những Luật sư trẻ như chúng tôi. Tuy nhiên, các tác giả biên soạn cũng cho rằng vì bộ sách được biên soạn trong một thời gian ngắn nên chắc chắc sẽ còn một số thiếu sót. Do vậy trên tinh thần đóng góp ý kiến, đồng thời trao đổi nghiên cứu học hỏi với các Luật sư trong Đoàn, tôi chỉ xin được thảo luận để bổ sung làm rõ một vài vấn đề nhỏ trong cuốn Sổ tay luật sư tập 2, Phần 3, Chương 10, Mục III về các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự có liên quan đến hoạt động của Luật sư. Cụ thể trong phạm vi bài viết “3. Nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự (Điều 6 BLTTDS 2015)”, tại các trang 237, 238 và 239.
Nhìn chung, tác giả bài viết trên đã trình bày những vấn đề cơ bản ở nội dung nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự của BLTTDS 2015. Tuy nhiên, theo quan điểm của mình, tôi cho rằng thứ nhất, tác giả vẫn chưa làm rõ nội dung nguyên tắc để nêu bật được ý nghĩa cơ bản, tầm quan trọng và ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của luật sư? Thứ hai, tác giả đã dẫn chiếu sai cả tên và nội dung điều luật? Thứ ba, tác giả có sự nhầm lẫn giữa các điều luật của ba BLDS 1995, 2005 và 2015. Sau đây tôi lần lượt bổ sung ý kiến liên quan đến ba vấn đề pháp lý để làm rõ nhận định trên của mình.
Vấn đề thảo luận
– Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự (Điều 6 BLTTDS 2015).
– Nguyên tắc người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự phải chịu trách nhiệm khi có lỗi.
– Nguyên tắc suy đoán lỗi của người vi phạm nghĩa vụ.
- Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự
Trước hết, ở phạm vi Điều 6 BLTTDS 2015 tôi xin được bổ sung để làm rõ nội dung nguyên tắc ở điều luật này.
So với Điều 6 BLTTDS 2004, thì Điều 6 BLTTDS 2015 đã có một số thay đổi đáng kể trong nội dung nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự. Sự thay đổi thứ nhất nhấn mạnh rằng đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động cung cấp chứng cứ. Điều này khẳng định rằng trước hết ai đưa ra yêu cầu thì người đó phải có nghĩa vụ chủ động cung cấp chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là hợp pháp, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ thay cho đương sự. Do đó, trách nhiệm tìm ra sự thật khách quan của vụ án dân sự thuộc về đương sự. Mức độ đương sự bảo vệ được lợi ích của mình hoàn toàn phụ thuộc vào việc họ có thực hiện tốt nghĩa vụ thu thập chứng cứ hay không chứ không phụ thuộc vào vai trò của Tòa án. Mặt khác, đó là căn cứ để Tòa án cấp trên không được hủy bản án, quyết định của Tòa cấp dưới vì cho rằng chưa thu thập đủ chứng cứ để xem xét giải quyết vụ việc dân sự.
Thứ hai, Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ trên cơ sở đề nghị của đương sự. Trách nhiệm hỗ trợ không mang tính chất chủ động và không đương nhiên bắt buộc phải thực hiện. Thêm vào đó, Tòa án có quyền quyết định có hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ hay không sau khi xem xét lý do đưa ra đề nghị của đương sự.
Nguyên tắc này phân biệt sự khác nhau về vai trò trách nhiệm của Tòa án trong tố tụng dân sự với tố tụng hình sự.
Nguyên tắc này cũng phù hợp với nguyên tắc thực hiện quyền quyết định và định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự.
- Nguyên tắc người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự phải chịu trách nhiệm khi có lỗi
Theo nguyên tắc chung, người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự phải chịu trách nhiệm khi có lỗi (Điều 351 BLTTDS 2015)
Đây có phải là nội dung mà Điều 351 BLTTDS (hoặc Điều 351 BLDS 2015?) như tác giả đã dẫn chiếu hay không? Đối chiếu với các điều luật được dẫn chiếu như trên thì không thấy điều nào có nội dung như tác giả đã trích dẫn.
Hơn nữa, theo tinh thần mới của BLDS 2015 thì yếu tố lỗi không còn còn là điều kiện bắt buộc để phát sinh trách nhiệm dân sự. Do đó trách nhiệm dân sự được hiểu là loại trách nhiệm “khách quan” – loại trách nhiệm không dựa trên yếu tố lỗi và theo thông thường thì bên vi phạm nghĩa vụ dù có lỗi hay không có lỗi cũng đều phải chịu trách nhiệm dân sự trừ một số trường hợp có quy định khác, chẳng hạn như quy định tại Điều 460 và Điều 461 của BLDS 2015.
Thật ra nguyên tắc trên được áp dụng yếu tố lỗi làm cơ sở của trách nhiệm dân sự được BLDS 1995 quy định tại Điều 309 và BLDS 2005 quy định tại Điều 308. Nội dung ở các điều luật trên của hai bộ luật dân sự cũ đều nhấn mạnh lỗi là căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Các điều luật trên có nghĩa rằng nếu bên vi phạm nghĩa vụ có lỗi mới chịu trách nhiệm dân sự, còn vi phạm nghĩa vụ mà không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm dân sự. Cách tiếp cận này áp dụng một cách cứng nhắc khái niệm lỗi của luật hình sự.
- Nguyên tắc suy đoán lỗi của người vi phạm nghĩa vụ
Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc suy đoán lỗi của người vi phạm nghĩa vụ, người có quyền sẽ không phải chứng minh lỗi của người vi phạm nghĩa vụ, mà ngược lại, việc chứng minh không có lỗi thuộc trách nhiệm của người vi phạm nghĩa vụ (khoản 3 Điều 351 BLDS năm 2015)
Tôi cho rằng, đây là nguyên tắc suy đoán tính trái pháp luật hay tính bất hợp pháp của hành vi vi phạm nghĩa vụ thì chính xác hơn. Do đó, trong trường hợp thông thường, bên có quyền không cần viện dẫn tính trái pháp luật hay tính bất hợp pháp của hành vi vi phạm nghĩa vụ mà chỉ cần đưa ra sự kiện bên có nghĩa vụ đã thực sự vi phạm nghĩa vụ (dưới hình thức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ) là đủ để truy cứu trách nhiệm dân sự đối với bên vi phạm.
Chỉ trong trường hợp nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của người có quyền, thì việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ không bị coi là trái pháp luật (mang tính hợp pháp) vì thế không làm phát sinh trách nhiệm dân sự của người có nghĩa vụ đối với người có quyền. Khi đó để Tòa án xem xét, đánh giá được tính hợp pháp của hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ phải có trách nhiệm chứng minh sự kiện mình không có lỗi hay hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Còn nội dung về nguyên tắc suy đoán lỗi của người vi phạm nghĩa vụ mà tác giả đã nêu trên thật ra được quy định tại khoản 3 Điều 309 BLDS 1995. Nhưng đến BLDS 2005, quy tắc suy đoán lỗi của người vi phạm nghĩa vụ đã bị bỏ đi và đây là điểm bất cập so với BLDS 1995.
Trên đây là một số ý kiến nhỏ của tôi về các vấn đề vừa trình bày trên, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của người đọc và các Luật sư về các vấn đề này.
Cơ sở pháp lý:
– Điều 6 BLTTDS 2004;
– Điều 308, 309 BLDS 1995;
– Điều 302, 308 BLDS 2005;
– Điều 6 BLTTDS 2015;
– Điều 351, 364, 460, 461 BLDS 2015.